Trụ sở: Số 138A Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Trụ sở: Số 138A Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt về việc đam mê trồng thanh trà ngọt, ông Cập kể, cách nay khoảng 100 năm, cây thanh trà chua đã có mặt ở quê của ông, do các ông địa chủ lúc bấy giờ mang cây giống về trồng từ vùng biên giới của tỉnh Kiên Giang.
Ông Huỳnh Văn Cập ở ấp Đông Hòa 2, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024. Ảnh: Huỳnh Xây
Sau đó, cây thanh trà chua được người dân địa phương nhân giống dần bằng hột. Do điều kiện đất đai và thời tiết phù hợp, cây thanh trà chua phát triển mạnh, cây to trồng lâu năm có thể đạt 1,2 tấn/vụ/năm. Do vậy, diện tích tăng qua các năm.
Đặc biệt, khoảng 14 năm trở lại đây, người dân phát hiện, có tình trạng một số ít cây thanh tra chua đột biến thành thanh tra ngọt (nhiều dòng, có hình dạng trái, độ ngọt và năng suất khác nhau). Nhận thấy tiềm năng lớn từ thanh trà ngọt này, ông Cập đã bỏ công đi tìm tòi, sưu tập các loại thanh tra ngọt đem về nhà trồng.
CLIP: Ông Huỳnh Văn Cập ở ấp Đông Hòa 2, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long nói về việc trồng thanh trà ngọt cho ra trái nghịch vụ. Video: Huỳnh Xây
Sau 3 năm trồng, cây thanh trà ngọt của ông Cập bắt đầu cho trái. Để chọn ra cây đầu dòng chất lượng nhất, ông tiếp tục theo dõi thêm 3 năm nữa.
Cuối cùng ông cũng tuyển chọn được cây đầu dòng thanh trà ngọt cho năng suất cao (tương đương cây thanh trà chua) và độ ngọt của trái đạt 90% (còn lại 10% có độ chua). Từ đây, ông Cập bắt đầu nhân giống, mở rộng dần diện tích trồng thanh trà ngọt trên phần đất của gia đình.
Ông Cập cho biết, thanh trà ngọt có nhiều dòng. Lúc đầu, những hộ dân khác ở địa phương phát hiện ra cây thanh trà ngọt đột biến từ thanh trà chua cho năng suất thấp nên không muốn trồng, nhân rộng.
"Riêng cây đầu dòng mà tôi có được, năng suất rất cao. Cụ thể, năng suất cây tơ 3 năm tuổi có thể đạt từ 1-2 kg, cây 14 năm tuổi có thể đạt khoảng 50kg. Năm rồi, 1 cây 14 năm tuổi của tôi bán được 9 triệu đồng" - ông Cập thông tin.
Thanh trà ngọt Năm Cập cho năng suất cao, tương đương thanh trà chua ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: NVCC
Do hiệu quả thấy được từ việc trồng cây thanh trà ngọt, người dân ở địa phương bắt đầu tìm đến ông Cập mua cây giống về trồng. Để đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng, ông Cập bắt đầu cho ghép cây giống, đăng ký kinh doanh, đặc biệt là đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thanh trà ngọt Năm Cập.
Ông Cập cũng đã thành lập Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ cây giống - quả thanh trà ngọt Đông Thành, thu hút 11 thành viên tham gia. Hiện ông Cập có 5ha trồng cây thanh trà ngọt, nằm trong tổng số 15ha của hợp tác xã. Ngoài diện tích trên, ngành chức năng địa phương còn hỗ trợ nông dân xã Đông Thành trồng thêm 10ha nữa.
Được biết, khác với nhiều loại cây trồng khác, người dân trồng cây thanh trà ngọt ở thị xã Bình Minh gần như không tốn công chăm sóc. Nếu làm vườn cao, có hệ thống thoát nước tốt, sau khi trồng, người dân chỉ đợi thu hoạch vào 3 năm sau. Riêng những vườn muốn cho năng suất cao, chỉ phun thuốc giúp tăng tỉ lệ đậu trái lúc làm bông và bón thêm phân nuôi trái.
Theo ông Cập, ông nỗ lực tìm kiếm, tuyển chọn ra cây thanh trà ngọt là vì giá thanh trà chua ở địa phương quá thấp. Vào đầu vụ thu hoạch giá cao nhất chỉ ở mức 60.000 đồng/kg, còn ở cuối vụ chỉ còn 13.000 đồng/kg. Đối với thanh trà ngọt của ông trồng, giá bán từ 120.000-160.000/kg.
Đừ đầu năm 2024 đến nay, ông Cập bán được 8.000 cây giống thanh trà ngọt. Ảnh: Huỳnh Xây
Thế nhưng, vài năm trở lại đây, ở ĐBSCL xuất hiện thanh trà ngọt Thái Lan bán nhiều ở các cửa hàng và siêu thị. Điều đáng nói là loại thanh trà này bán rộ vào 2 thời điểm thanh trà chua ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long có giá bán cao nhất (chuẩn bị thu hoạch và vừa thu hoạch xong). Được biết, thanh trà ngọt Thái Lan thu hoạch được 2 vụ/năm.
Để "không thua ngay trên sân nhà", ông Cập tìm đến một số chuyên gia về trồng cây ăn trái nhờ hỗ trợ nghiên cứu cho thanh trà ngọt ra trái nghịch vụ. Tuy nhiên, 4 năm nỗ lực nghiên cứu với nhiều phương pháp khác nhau vẫn không thành công.
Ông Cập nói: "Thủ nhiều cách, đến cây kiệt sức, rụng lá mà không thể ra trái nghịch vụ. Nó khác, không sử dụng được cách xử lý ra hoa đối với cây xoài cũng như một số cây có giá trị kinh tế cao khác".
Sau đó, ông Cập đã quyết định sang một số vùng chuyên trồng thanh trà ngọt ở Thái Lan học hỏi kinh nghiệm. Khi về quê, ông thử cho trái nghịch vụ 4 đợt và đều thành công. Ngoài mong đợi, cây thanh trà ngọt ra trái nghịch vụ cho năng suất còn cao hơn ra trái tự nhiên.
So sánh giữa thanh trà ngọt Năm Cập và thanh trà Thái. Ảnh: NVCC
Năm nay, theo kế hoạch, ông sẽ bắt đầu làm trái từ mùng 10/10 âm lịch, tới tháng chạp sẽ có thanh trà ngọt bán. Ông không cho ra trái đồng loạt, mà phân ra nhiều khu vực với nhiều lần để trái khác nhau, để có sản phẩm bán dần, không lệ thuộc mùa vụ cũng như thời tiết như thanh trà chua.
Ông Cập mong muốn sau này, thanh trà ngọt của ông được mở rộng diện tích rộng lớn và trở thành cây đặc sản của thị xã Bình Minh. Thanh trà ngọt Năm Cập dần có thương hiệu và được đưa vào siêu thị thay thế thanh trà ngọt Thái Lan.
Về hình dáng bên ngoài, trái thanh trà ngọt Năm Cập có kích cỡ (từ 19-21 trái/kg) lớn hơn so với thanh trà ngọt Thái Lan (có thể từ 35-40 trái/kg). Bên trong, thanh trà ngọt Năm Cập cho cơm dày, hạt nhỏ và ít xơ hơn thanh trà ngọt Thái Lan.
Về độ ngọt, thanh trà ngọt Năm Cập (độ ngọt đạt 90%, 10% còn lại có độ chua) không bằng thanh trà ngọt Thái Lan. Tuy nhiên, theo ông Cập, đây là lợi thế, bởi độ ngọt quá cao sẽ như "cục đường" gây mất vị ngon của thanh trà, thay vào đó có độ chua nhẹ sẽ có nhiều người thích hơn.
Năm 2022, ông Cập bán được khoảng 3,5 tấn trái thanh trà ngọt với giá 120.000/kg. Năm 2023, ông bán được khoảng 2,5 tấn trái thanh trà ngọt với giá 150.000-160.000/kg. Năm 2024, chưa tới thời gian làm trái.
Về cây giống, năm 2022, bán được khoảng 10.000 cây, năm 2023 bán được từ 14.000-15.000 cây. Từ đầu năm 2024 đến nay, bán được 8.000 cây. Qua các năm, ông Cập đều giữ giá 200.000 đồng/cây.
Thanh trà ngọt Năm Cập đã được UBND tỉnh Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao vào năm 2023.
Ông Cập cũng là chủ nhiệm câu lạc bộ nông dân tỷ phú thị xã Bình Minh (do Hội Nông dân thị xã Bình Minh thành lập). Đây là câu lạc bộ nông dân tỷ phú cấp huyện đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long.
Với những kết quả đạt được, ông Cập được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.
Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.
Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).