Báo Cáo Đầu Tư Nước Ngoài 2023

Báo Cáo Đầu Tư Nước Ngoài 2023

Một điểm nhấn trong báo cáo thường niên FDI năm 2023 là trong khi FDI toàn cầu năm 2023 chỉ tăng 3% thì FDI vào Việt Nam tăng tới 32,1%.

Một điểm nhấn trong báo cáo thường niên FDI năm 2023 là trong khi FDI toàn cầu năm 2023 chỉ tăng 3% thì FDI vào Việt Nam tăng tới 32,1%.

Ban Quản lý đào tạo Sau Đại học

Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm 1987) đến nay, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khu vực FDI đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Riêng năm 2023, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm tốc (chỉ đạt 5,05% GDP so với 8% GDP năm 2022) do bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của vốn FDI.

1. Thực trạng thu hút FDI năm 2023

Kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã nhận được dòng vốn FDI lớn, trở thành ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Trong khi phần lớn khoản đầu tư ban đầu đổ vào lĩnh vực dệt may và giày dép có giá trị gia tăng thấp, Việt Nam nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng. Bất chấp những thách thức thương mại diễn ra gay gắt, Việt Nam vẫn tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng. Đầu tư trong lĩnh vực sản xuất đã chiếm 85% tổng vốn FDI mới1.

Mục tiêu thu hút FDI năm 2023 nhằm phát triển bền vững là yêu cầu trong suốt quá trình phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, độc lập, chủ quyền quốc gia. Vốn FDI vào Việt Nam đạt 36,61 tỉ USD (tính đến ngày 20/12/2023), giải ngân đạt 23,18 tỉ USD - mức cao kỉ lục trong giai đoạn 2018 - 20232, tăng 32,1% so với cùng kì, bao gồm tổng vốn đăng kí cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đăng kí mới tăng 20,19 tỉ USD và số dự án đăng kí mới tăng 3.188 dự án - là điểm rất đáng ghi nhận. Số dự án mới tăng 66,3%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng tổng vốn đầu tư mới (tăng 43,6%) cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam nên đã đưa ra các quyết định đầu tư mới. Dù vốn đầu tư điều chỉnh giảm nhưng xu hướng giảm đã có sự cải thiện. Vốn đăng kí mới và vốn góp mua cổ phần tăng, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

Năm 2023, điểm nổi bật là dòng vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất tăng mạnh, bất chấp nhiều khó khăn kinh tế toàn cầu và những hạn chế sau đại dịch Covid-19. Vốn FDI vẫn được xem là “cơn gió thuận” đối với Việt Nam trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù còn những tồn tại liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá có môi trường đầu tư hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội, cũng như chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỉ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng kí và tăng 39,9% so với cùng kì. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỉ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng kí, tăng 4,8% so với cùng kì. Các ngành sản xuất, phân phối điện; tài chính - ngân hàng xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng kí đạt lần lượt hơn 2,37 tỉ USD (tăng 4,9%) và gần 1,56 tỉ USD (gấp gần 27 lần). Còn lại là các ngành khác. (Bảng 1)

Xét về số dự án đầu tư, Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn dẫn đầu cả nước về số dự án mới (38,2%), số lượt dự án điều chỉnh (23%) và góp vốn mua cổ phần (66,3%) và trở thành địa phương thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất, với tổng vốn đầu tư đăng kí hơn 5,85 tỉ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư đăng kí, tăng 48,5% so với cùng kì năm 2022.

Quảng Ninh đã vượt qua nhiều "đầu tàu" về thu hút FDI để vươn lên vị trí thứ ba khi thu hút được hơn 3 tỉ USD vốn FDI3. (Bảng 2)

Nguồn: Nguyễn Lê (2023),“Đầu tàu kinh tế” trở thành quán quân

thu hút FDI năm 2023 (vietnamnet.vn)

Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỉ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 5,4% so với cùng kì năm 2022; Nhật Bản đứng thứ 2 với gần 6,57 tỉ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư, tăng 37,3% so với cùng kì. Hồng Kông đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng kí hơn 4,68 tỉ USD, chiếm gần 12,8% tổng vốn đầu tư, gấp 2,1 lần so với cùng kì. Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... đứng ở các vị trí tiếp theo4. (Bảng 3)

Nguồn: Tác giả tổng hợp theo Tổng cục Thống kê

Mỹ có 1.286 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng kí 11,7 tỉ USD, trở thành nhà đầu tư lớn thứ 11 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đang có đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Mỹ luôn có mong muốn trở thành nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam trong khi định hướng thu hút FDI của Việt Nam trong giai đoạn mới đang hướng tới các dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn là lĩnh vực mà doanh nghiệp Mỹ luôn dẫn đầu thế giới. Thành công trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam là nhờ lộ trình FDI kéo dài nhiều năm của Samsung tại Việt Nam với khoản đầu tư 18 tỉ USD trong hai thập kỉ (2000 - 2020), một nửa sản lượng điện thoại thông minh của Samsung trên toàn cầu đến từ Việt Nam. Điều này cũng đã khuyến khích các gã khổng lồ công nghệ khác, đặc biệt là Apple, mở rộng hoạt động đầu tư.

2. Nhân tố thúc đẩy thu hút FDI của Việt Nam

Việt Nam có nhiều đặc điểm thân thiện với các nhà đầu tư nước ngoài. Những yếu tố quan trọng thúc đẩy FDI khởi sắc năm 2023 gồm:

Thứ nhất, vị trí địa lí thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Với vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á - nơi tập trung nhiều nền kinh tế lớn và sôi động. Việt Nam có vị trí địa lí thuận lợi giao thương với thế giới, vừa là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía Tây bán đảo Đông Dương. So với Ấn Độ và Indonesia - những quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc thu hút FDI ở Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn. Với vị trí địa lí ngay sát Trung Quốc, Việt Nam có thể tiếp cận trực tiếp thị trường hơn 1 tỉ người tiêu dùng của Trung Quốc. Hơn nữa, Việt Nam đã trở thành một cứ điểm sản xuất smartphone, máy tính bảng của Samsung. Bên cạnh đó, Việt Nam có cộng đồng ASEAN - là thị trường với 650 triệu dân, quy mô thị trường lớn hơn EU và GDP gần 4.000 tỉ USD. Thể chế chính trị của Việt Nam rất hỗ trợ các doanh nghiệp, có nhiều ưu đãi cho các dự án FDI lớn. Cùng với đó, lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa gần 100 triệu dân (năm 2022) có tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn, đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thị trường Việt Nam hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư ở hầu hết các lĩnh vực: Bất động sản, hàng tiêu dùng, ô tô, dịch vụ, hạ tầng...; hơn nữa, với các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện đã kí với ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia..., với tư cách thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam có cơ hội tiếp cận một cách cạnh tranh với thị trường khu vực. Việt Nam cũng có lợi thế là trung tâm của khu vực đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới - khu vực ASEAN6.

Thứ hai, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội ổn định. Chính trị xã hội ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng; thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt là những yếu tố luôn có sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam được biết đến là một trong những nền kinh tế năng động nhất. Những yếu tố này của Việt Nam liên tục được các doanh nghiệp FDI đánh giá cao, với tỉ lệ trên 90%. Sự ổn định chính trị - xã hội đã tạo được niềm tin mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, khiến các nhà đầu tư sẵn sàng huy động vốn để gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất. Cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp. Hơn nữa, các yếu tố như thị trường tiềm năng với dân số gần 100 triệu người trong đó có tới 40% dân số ở độ tuổi dưới 25 tuổi, thu nhập bình quân đầu người tăng, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài được công bố rõ ràng, cơ sở hạ tầng tiếp tục được phát triển, vị trí địa lí cũng thuận lợi, tài nguyên về đất đai và nguồn lực lao động cũng sẽ là thế mạnh để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài. Việc kiểm soát thành công dịch Covid-19 sớm giúp Việt Nam có ưu thế hơn so với các quốc gia khác. Việt Nam vẫn là nước hưởng lợi chính từ sự chuyển dịch sản xuất nhờ các yếu tố thuận lợi riêng gồm chi phí nhân công thấp, lực lượng lao động đông đảo, tương đối lành nghề và được đào tạo tốt, có trình độ học vấn cao. Khả năng tiếp cận trực tiếp các thị trường rộng lớn như Trung Quốc và ASEAN cũng là một lợi thế.

Thứ ba, kết quả tăng trưởng kinh tế tiếp tục ổn định và ngày càng khởi sắc. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Hiện Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỉ USD. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI. Sức hút đầu tư của Việt Nam phải kể đến là nhà sản xuất xe điện nội địa VinFast đã trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới tính theo vốn hóa thị trường, sau Tesla (Mỹ) và Toyota (Nhật Bản).

Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, robot và năng lượng tái tạo ở Việt Nam có tinh thần làm việc năng động và hỗ trợ lẫn nhau. Chính sự kết hợp mạnh mẽ này đã tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương thuận lợi. Sự tăng trưởng của các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), khu đầu tiên được thành lập năm 1996, đã thu hút được 18,7 tỉ USD đầu tư và tạo ra việc làm cho 300 nghìn lao động. Việt Nam đang nâng cao chuỗi giá trị từ giày dép và hàng may mặc sang công nghệ cao, bao gồm các công ty Fintech nội địa như nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Momo, ZaloPay, VNPay cũng như các công ty khởi nghiệp nước ngoài. Nhờ đó, dự kiến chi tiêu vốn sẽ tăng trưởng nhanh chóng, cũng như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong nước.

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng ngày một hiện diện nhiều hơn ở Việt Nam. Các quỹ đầu tư mạo hiểm có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới, với sự quan tâm ngày càng tăng từ phương Tây, bao gồm cả Mỹ. Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn rất tích cực cùng sự tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với nhiều FTA có hiệu lực, giúp Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn FDI trong quá trình định hình lại đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đang thực sự khẳng định vị thế của mình là một trong những điểm đến hàng đầu mà các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu muốn đầu tư.

Thứ tư, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập niềm tin với nhà đầu tư. Mặc dù còn những tồn tại liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá có môi trường đầu tư hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội, cũng như chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn.

Chi phí lao động ở Việt Nam (329 USD/tháng), chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc (1.119 USD tháng), thấp hơn Malaysia (862 USD/tháng)7. Cùng với những ưu đãi đầu tư, môi trường đầu tư thuận lợi tiếp tục là yếu tố “hút” nhà đầu tư nước ngoài đăng kí dự án đầu tư mới và giải ngân vốn đầu tư. Các ưu đãi đầu tư chủ yếu của Việt Nam tập trung vào ba nhóm: (i) Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; (ii) Ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu; (iii) Ưu đãi về tài chính, đất đai. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng kí vào Việt Nam được duy trì tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường. Khả năng cạnh tranh cao của doanh nghiệp phụ trợ nội địa giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn các dự án FDI công nghệ cao, công nghệ nguồn của Mỹ. Bởi so với mức đầu tư ra nước ngoài của Mỹ (khoảng 200 - 300 tỉ USD/năm) thì vốn đầu tư trực tiếp FDI từ Mỹ vào Việt Nam không nhiều, trung bình chỉ hơn 1 tỉ USD/năm8.

Các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào chính sách của Chính phủ Việt Nam. Nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài đánh giá Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu. Các nhà đầu tư cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tư duy đổi mới, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới sẽ mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển, đem lại thành công cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam là một trong những điểm đến ưa thích của các công ty Nhật Bản lựa chọn chuyển sản xuất sang khu vực ASEAN, đặc biệt sau khi Việt Nam - Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào tháng 11/2023. Mỹ cũng đang tăng cường quan hệ kinh tế và kĩ thuật với Việt Nam sau khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023.

Các chính sách được đánh giá hiệu quả nhất trong thu hút FDI là miễn, giảm VAT; chính sách về bình ổn giá xăng dầu, cải thiện thủ tục cấp giấy phép lao động và thông quan, chính sách xuất nhập khẩu và hỗ trợ người lao động. Nền tảng chính trị, kinh tế ổn định, các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, lực lượng lao động dồi dào, được đào tạo khá tốt so với các nước trong khu vực, chi phí lương cho công nhân ngành sản xuất thấp... khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty đa quốc gia. Nhiều công ty có chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất để giảm bớt khả năng bị thiệt hại bởi gián đoạn nguồn cung do các xung đột địa chính trị. Việt Nam cũng là điểm đến ưa thích của các công ty Hàn Quốc khi chuyển cơ sở sản xuất sang khu vực ASEAN.

Thứ năm, khai thác có hiệu quả lợi thế từ các FTA. Việt Nam tham gia 17 FTA đang tạo nên bệ đỡ quan trọng để dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam. Trong đó có những FTA thế hệ mới, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các FTA thế hệ mới đang tạo ra làn sóng hội nhập lần thứ hai mạnh mẽ hơn cho Việt Nam, giúp Việt Nam tiếp cận thị trường tự do của 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia của nhóm G20. Làn sóng thu hút đầu tư được kì vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu. Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam thu hút được các doanh nghiệp đến đầu tư, không chỉ là các doanh nghiệp châu Âu mà là doanh nghiệp trên toàn thế giới. Đặc biệt, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) mang tới cơ hội thu hút dòng vốn FDI không chỉ từ châu Âu, mà còn từ các quốc gia khác muốn hưởng lợi chính sách ưu đãi thuế. Các nhà đầu tư nhắm đến các lĩnh vực phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam, như chuyển dịch theo hướng bền vững, là những dự án đầu tư dài hạn khả thi nhất. Canada đầu tư hỗ trợ phát triển năng lượng mặt trời nhằm phát triển công nghệ sạch, lĩnh vực đầu tư ở Việt Nam còn khá thấp. Sự phát triển của Việt Nam tiếp tục tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Canada trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, lập kế hoạch và thiết kế khi cần phải có vật liệu mới, xây dựng, vận hành và quản lí dự án.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) có hiệu lực tháng 12/2020 không chỉ thúc đẩy xuất khẩu vào Anh, mà còn thu hút nguồn vốn FDI vào các ngành có lợi thế của Việt Nam. Nhờ kí kết nhiều FTA giúp Việt Nam có triển vọng tăng trưởng trung hạn ở mức 6 - 7% và hệ sinh thái điện tử phát triển. Rõ ràng tham gia nhiều FTA thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP, RCEP và UKVFTA, Việt Nam đang có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Việc nâng cấp và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ (tháng 9/2023) và với Nhật Bản (tháng 11/2023) được kì vọng sẽ mở ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, thu hút thành công vốn FDI từ Mỹ thì Việt Nam sẽ hưởng lợi kép, sẽ góp phần nâng chất lượng dòng vốn FDI và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước. Việc hợp tác với doanh nghiệp Mỹ cũng tạo sức ép để các doanh nghiệp trong nước tiến lên, phát triển công nghệ và quản trị. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin vào triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, với tư cách là thành viên ASEAN, Việt Nam có khả năng tiếp cận miễn thuế với 800 triệu người trên khắp Đông Nam Á.

3. Một số thách thức và triển vọng thu hút FDI năm 2024 của Việt Nam

Năm 2024, thu hút FDI của Việt Nam đối diện với một số thách thức, đó là:

Một là, sự bất ổn kinh tế toàn cầu khiến tình hình phục hồi kinh tế chậm. Giá lương thực và năng lượng tăng vọt do xung đột Nga - Ukraine kéo dài dẫn tới tiến trình phục hồi của thế giới bị đình trệ đột ngột. Các quốc gia Mỹ, Trung Quốc - những đối tác thương mại và nhà đầu tư FDI chính của Việt Nam, được dự báo sẽ tăng trưởng chậm trong những năm tới.

Hai là, xu hướng đầu tư lân cận (nearshoring) được nhiều quốc gia (Hàn Quốc, Nhật Bản…) hướng tới sau đại dịch Covid-19. Trong khi Mỹ và một số nước EU đều đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài, thì những xu hướng này làm tăng thêm thách thức cho Việt Nam trong thu hút FDI.

Ba là, việc đề xuất thiết lập mức thuế tối thiểu cho các Tập đoàn đa quốc gia trên toàn thế giới nhằm mục tiêu ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia tham gia vào chiến lược lập kế hoạch thuế cực đoan (chuyển dịch lợi nhuận và xói mòn cơ sở thuế để giảm thiểu nghĩa vụ thuế). Mức thuế tối thiểu toàn cầu có thể khác nhau tùy thuộc vào thỏa thuận được đề xuất giữa các quốc gia. Mục tiêu chung là ấn định mức thuế tối thiểu các tập đoàn đa quốc gia phải nộp, bất kể khu vực tập đoàn đa quốc gia hoạt động.

Bốn là, các nước láng giềng trong khu vực (Thái Lan và Malaysia) với nguồn lực tốt hơn đã tăng cường thu hút FDI bằng cách giảm thuế, hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, do đó dẫn đến Việt Nam trở thành điểm đến kém hấp dẫn hơn trước. Thu hút FDI đơn thuần thông qua lao động giá rẻ không phải là giải pháp cho FDI chất lượng. Sự hấp dẫn cần phải dựa trên các khía cạnh khác (cơ sở hạ tầng vững chắc, lao động lành nghề và các yếu tố phi thuế hấp dẫn) chứ không đơn thuần là mức tiền công lao động thấp.

Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2025 - 2030 của Việt Nam là tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh những thách thức trên, năm 2024, trong bối cảnh nhiều tập đoàn quốc tế đang muốn chuyển hướng khỏi Trung Quốc, thu hút FDI của Việt Nam có triển vọng, lĩnh vực sản xuất sẽ có nhiều hấp dẫn. Khả năng 80% vốn FDI của Việt Nam sẽ hướng vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp (nhà xưởng hoặc các dự án hỗ trợ như nhà máy phát điện, hạ tầng kho vận). Lĩnh vực sản xuất sẽ thu hút phần lớn vốn FDI vào Việt Nam bởi các lí do sau:

Thứ nhất, dựa vào Mô hình Phát triển Đông Á (East Asia Development Model -EADM) mà các nền kinh tế phát triển châu Á đều áp dụng. Mô hình phát triển Đông Á chú trọng sản xuất sản phẩm cho xuất khẩu (như điện thoại, đồ điện tử gia dụng, quần áo), nên đóng góp của lĩnh vực sản xuất vào GDP của các nền kinh tế phát triển châu Á đều trên 30% khi đạt mức cao nhất. Việt Nam hứa hẹn trở thành đối tác quan trọng trong đảm bảo chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn đa dạng và linh hoạt.

Thứ hai, mức đóng góp của lĩnh vực sản xuất vào GDP của Việt Nam hiện vẫn thấp. Đóng góp của lĩnh vực sản xuất vào GDP của Việt Nam hiện dưới mức 25%, cho thấy tiềm năng phát triển trong tương lai của lĩnh vực sản xuất còn rất lớn. Hơn nữa, Việt Nam đang là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các tập đoàn sản xuất công nghệ cao. Cùng với Thái Lan và Indonesia, Việt Nam có sự tăng vọt tỉ trọng FDI của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất. Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Apple của Mỹ khẳng định sẽ đưa hoạt động thiết kế sản xuất iPad sang Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam có hai lợi thế khi thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất. Lợi thế thu hút FDI vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, đó là: (i) Nguồn lao động chất lượng cao với chi phí cạnh tranh; (ii) Mỹ (thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam) đang mở rộng cửa đối với các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam. Khi đó, các tập đoàn xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mỹ mà không vướng phải rào cản thương mại của Chính phủ Mỹ.

Thứ tư, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng nhanh nhu cầu tiêu thụ nội địa. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang ngày càng phát triển. Việt Nam đứng thứ 5 trong số 9 quốc gia châu Á có số người gia nhập tầng lớp trung lưu lớn nhất, với 4 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu năm 2024.

Tuy có cơ hội rất lớn trong triển vọng phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, song hiện nay, Việt Nam cần đào tạo thêm lực lượng kĩ sư để phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn quy mô lớn. Bên cạnh đó, lo ngại về tác động của việc áp dụng “Thuế tối thiểu toàn cầu” (Global Minimum Tax - GMT)9 tại Việt Nam năm 2024 có thể ảnh hưởng đến sức hút FDI, bởi việc áp dụng GMT có thể cản trở việc cung cấp các ưu đãi thuế cho nhà đầu tư FDI. Nhưng ưu đãi thuế không phải là ưu tiên số một để các tập đoàn quốc tế cân nhắc khi quyết định rót vốn FDI, mà còn quan tâm tới rất nhiều yếu tố, trong đó có chi phí và chất lượng nhân công, chất lượng hạ tầng, độ mở của môi trường kinh doanh. Việt Nam cũng đã tính tới giải pháp hỗ trợ gánh nặng tài chính cho các nhà đầu tư FDI.

Để gia tăng khả năng thu hút vốn FDI trong những năm tới, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng (hạ tầng giao thông, kho vận) và nâng cao độ mở của môi trường kinh doanh, đặc biệt là giảm thủ tục hành chính rườm rà và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư FDI phối hợp với cơ quan quản lí trong quá trình xin cấp phép đầu tư. Bên cạnh đó, cần không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo cũng như giáo dục hướng nghiệp để đảm bảo chất lượng nguồn lao động cung cấp cho thị trường trong tương lai.

Tóm lại, đầu tư là động lực tăng trưởng lớn nhất, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam. Đầu tư tạo ra năng lực sản xuất mới, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng hiện tại mà cho cả các năm tiếp theo. Việt Nam cần thu hút các khoản đầu tư tạo nhiều giá trị gia tăng và nâng cao năng lực quốc gia trong lĩnh vực R&D. Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu. Các nhà đầu tư nước ngoài cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút thêm dòng vốn nước ngoài. Triển vọng vĩ mô và môi trường kinh doanh ổn định cùng với tiềm năng tăng trưởng kinh tế tạo sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm tới.

1 Kiều Chinh (2023), ASEAN hút 17% dòng vốn FDI toàn cầu, Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất, Mekong ASEAN 2 Minh Ngọc (2023), Vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm gần đây - Tạp chí Tài chính,

Tiến Thắng (2023), Quảng Ninh tạm dẫn đầu thu hút FDI, vượt mốc 3 tỉ USD - Tuổi Trẻ Online, https://tuoitre.vn

4 Anh Nhi (2023), Năm 2023, Việt Nam thu hút hơn 36,6 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới, https://vneconomy.vn 5 Quang Tuyền (2023), Năm 2023, vốn FDI đăng kí vào Việt Nam đạt gần 36,6 tỉ USD - Tạp chí Tài chính, https://tapchitaichinh.vn 6 Tăng trưởng của ASEAN trong hơn 2 thập kỉ qua (1997 - 2018) đạt trung bình 5% GDP, cao hơn nhiều so với 3 - 3,5% GDP mức tăng trưởng toàn cầu. 7 Ban Mai (2023), Vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam, bất động sản công nghiệp thêm hấp lực - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới, https://vneconomy.vn 8 Bích Ngọc (2023), Chiến lược thu hút nguồn FDI chất lượng cao: "Bóng đang trong chân" Việt Nam - Tuổi Trẻ Online, https://tuoitre.vn 9 Mức thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) được quy định là 15%, áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu EUR (800 triệu USD) trong ít nhất hai năm của bốn năm liền kề gần nhất.

1. Tô Hà (2023), Bước ngoặt trong thu hút đầu tư nước ngoài, https://nhandan.vn

2. Minh Ngọc (2023), Vốn FDI thực hiện 9 tháng năm 2023 cao kỉ lục, https://baochinhphu.vn

3. Ban Mai (2023), Vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam, bất động sản công nghiệp thêm hấp lực - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới, https://vneconomy.vn

4. Bích Ngọc (2023), Chiến lược thu hút nguồn FDI chất lượng cao: “Bóng đang trong chân” Việt Nam - Tuổi Trẻ Online, https://tuoitre.vn

5. Anh Nhi (2023), Năm 2023, Việt Nam thu hút hơn 36,6 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới, https://vneconomy.vn

6. Khánh Vy (2023), Vốn FDI vào Việt Nam vẫn duy trì đà tăng - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới, https://vneconomy.vn

7. Tiến Thắng (2023), Quảng Ninh tạm dẫn đầu thu hút FDI, vượt mốc 3 tỉ USD - Tuổi Trẻ Online, https://tuoitre.vn

8. Quang Tuyền (2023), Năm 2023, vốn FDI đăng kí vào Việt Nam đạt gần 36,6 tỉ USD - Tạp chí Tài chính, https://tapchitaichinh.vn

PGS., TS. Phạm Thị Thanh Bình (Giảng viên cao cấp, Khoa kinh tế, Đại học Mở Hà Nội)

Cục Đầu tư nước ngoài công bố ấn phẩm "Sổ tay hướng dẫn đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam 2024"